Cá dĩa có tên khoa học là Symphysodon (Thuộc họ Cichlidae) bao gồm 2 hoặc 3 loài sinh sống ở các lưu vực trũng ngập nước ở Amazon. Symphysodon spp. là loài cá có hoa văn đẹp được ưa thích và rất có giá trị bởi màu sắc tươi sáng với hình dáng giống những chiếc dĩa. Cá dĩa được buôn bán và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới có nguồn gốc từ Amazon, Brazil. Có rất ít dữ liệu về mặt sinh thái và lịch sử phát triển của cá dĩa hoang dã mặc dù loài này được thương mại hóa rất nhiều cho lĩnh vực thủy sinh và cá cảnh.
Cá dĩa được phát hiện bởi nhà ngư học Johann J. Heckel vào năm 1840, nhưng đến năm 1933 cá dĩa mới lần đầu tiên được các nhà thủy sinh đưa ra giới thiệu rộng rãi. Trong đó, các nhà nghiên cứu thủy sinh, nghiên cứu về cá dĩa như Lindaman (1953), Gordon (1957), Skipper (1956 và 1957), Wolfsheimer (1957) và Hildemann (1959).
Gustave Armbruster ở Philadelphia là người đầu tiên nuôi thành công cá dĩa Symphysodon discus vào mùa xuân năm 1935. Trứng của cá dĩa bám lên thành bể và bề mặt của phiến đá trong hồ thủy sinh lớn với nhiệt độ nước duy trì ở 85oF, pH 6.8. Sau đó, các trứng này được chuyển sang bể khác có chứa nước với cùng nhiệt độ, pH và có sục khí. Trứng bắt đầu nở sau 2 ngày và chất dinh dưỡng (Yolk Sac) của cá bột được hấp thu hoàn toàn sau 3 ngày. Các cá bột này được cho ăn một loại ấu trùng của ốc biển có tên là Hydatina. Một nửa số cá bột bị chết và nửa còn lại phát triển rất chậm sau tuần đầu tiên. Sau khi cá bột được 2 tuần tuổi, chúng được cho ăn một loại rận nước có tên là Daphnia, từ đây tốc độ tăng trưởng của cá bột mới bắt đầu nhanh hơn.
Vào năm 1949, W. T. Dodd ở Portland, Oregon, đã đăng trên Oregon Aquarium Society một nhan đề “Cá dĩa bột neo bên hông bố mẹ và xem hông bố mẹ là vùng nuôi dưỡng chúng”. Thật vậy, việc để cá bột mới nở ở cùng cá bố mẹ hoặc được nuôi bởi 1 cặp cá bộ mẹ khác là điều tốt nhất. Điều này làm tăng tỉ lệ sống của cá bột trước khi đủ khả năng tách khỏi bố mẹ.
Những năm sau đó, các chuyên gia về thủy sinh đáng chú ý như Gene Wolfsheimer, Carrol Friswold và Roy Skipper ở Anh Quốc, cũng không thể nuôi cá bột bằng bất kỳ loại thức ăn tươi sống nào. Và các nỗ lực tạo ra các loại thức ăn tinh khiết, hoặc thức ăn hỗn hợp gồm tảo, các loài phiêu sinh vật, các loài sinh vật ăn qua lọc,…cũng có chung kết quả là các cá bột đều chết vì đói. Như vậy, việc cho ăn quá sớm các loại thức ăn và tách quá sớm cá bột khỏi bố mẹ khi chưa đến giai đoạn ăn được trùng thì tỉ lệ hao hụt hoặc chết hoàn toàn là chắn chắn xảy ra.
Cách Nuôi Con Của Cá Bố Mẹ
Cả hai cá bố mẹ sẽ thay phiên nhau bảo vệ, thổi khí và dùng miệng gắp những trứng cá bột rớt khỏi chỗ bám dính. Cá bố mẹ sẽ gắp những cá bột mới nở bằng miệng của chúng và chuyển chúng sang những bề mặt bám dính khác nhau nơi có thể duy trì khả năng bám dính của chúng. Cá bột sẽ có thể bơi tự do sau 4 ngày nở và bơi theo bên hông bố mẹ một cách linh hoạt và bắt đầu “ăn” các chất dinh dưỡng tiết ra từ da của cá bố mẹ. Mặc dù cả bố và mẹ đều có thể nuôi cá bột, nhưng chúng vẫn cần phải có thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy, khi cảm thấy mệt, cá bố hoặc mẹ đang có cá bột bám sẽ búng nhẹ thân mình để chuyển đàn cá bột sang cá bố hoặc mẹ còn lại. Ngoài ra, khi cá bột đã mút hết chất dinh dưỡng trên cá bố hoặc mẹ, chúng sẽ tự bơi theo cá bố hoặc mẹ còn lại. Sau một tuần hoặc hơn tùy vào thể trạng của đàn cá, chúng sẽ bắt đầu ăn các loại thức ăn khác như artemia ấp nở hoặc ấu trùng bọ chân trèo. Ngoài các thức ăn trên, cá bột vẫn sẽ tiếp tục ăn dinh dưỡng trên da của cá bố mẹ sau ít nhất 5 tuần (mặc dù hiện nay, nhiều người nuôi đã tách riêng cá bột khỏi cá bố mẹ sau khi chúng bắt đầu có thể ăn được thức ăn khác, nhưng nuôi chung cá bố mẹ vẫn là cách ưu việt nhất). Điều kiện nước nuôi cá dĩa phù hợp nhất mà các chuyên gia đã nghiên cứu được liệt kê trong bảng dưới.
Chuyên Gia Thủy Sinh | Nhiệt Độ | pH | Độ Cứng (CaCO3) |
Armbruster | 29oF | 6.8 | Không Kiểm Soát |
Dale | 27.5oC | 7.1 | 142 ppm |
Matson | 27oC | 7.4 | 356 ppm |
Saphian | 27oC | 6.8 | 50 ppm |
Skipper | 24oC – 29oC | 6.2 – 6.6 | 65 ppm |
Wolfsheimer | 26oC | 6.9 | 68 ppm |
Hình: Cá dĩa bột thuộc loài Symphysodon discus đang neo trên da để “ăn” dinh dưỡng từ cá bố mẹ – Ảnh của chuyên gia G. Wolfsheimer
Vậy câu hỏi “thức ăn quan trọng đầu tiên của cá dĩa bột là gì?” thì qua bài viết, mọi người ắt hẳn đã có câu trả lời rồi. Wolfsheimer (1957) từng khuyến nghị rằng lớp nhờn mỏng bao bọc và bảo vệ cá dĩa bố mẹ chính là nguồn thức ăn duy nhất và đầu đời của cá bột. R. Skipper (1956) từng đưa ra giả thuyết rằng cá bột đã ăn những vi sinh vật đặc biệt sống hội sinh trên da của cá bố mẹ. Để biết thực sự trên da của cá bố mẹ có những gì, Hildemann đã gợi ý kiểm tra da của cá bố mẹ mới nuôi bột và cá trưởng thành dưới kính hiển vi, sau khi chúng được gây mê bằng Tricaine Methanesulfonate.
Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn cá dĩa bột đã ăn gì trên da của cá bố mẹ trong phần sau nhé…
Tổng Hợp: Ths. Tô Đình Phúc
Trần Duy Thọ
Nguyễn Thị Trúc Phương